Tô Trung Từ là nhân vật lịch sử quan trọng của Họ Tô Việt Nam. Thông tin Họ Tô Việt Nam (TTHTVN) đã có nhiều bài viết về Tô Trung Từ. Nhưng trên Website Họ Tô Việt Nam chưa có nhiều thông tin về Tô Trung Từ. Thậm chí có người còn đưa thông tin sai lệch về Tô Trung Từ lên Website. Vì vậy chúng tôi thấy cần đăng lại một bài viết về Tô Trung Từ trong TTHTVN lên Website của dòng họ.
Sách chính sử - Đại Việt sử ký toàn thư - chép về Tô Trung Từ chỉ hơn 10 dòng và cũng chỉ nói về những sự kiện có liên quan đến Tô Trung Từ trong ba năm 1209, 1210, 1211. Vì vậy phải tìm hiểu về Tô Trung Từ, qua các nguồn tư liệu khác.
Năm 1986, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo và xuất bản cuốn kỷ yếu “Thái Bình với sự nghiệp thời Trần”, tái bản năm 2001.
Năm 2004, Viện Sử học Việt Nam xuất bản cuốn “Nhà Trần và con người thời Trần” gồm các bài đã được trình bày trong các cuộc hội thảo do Viện Sử học và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với các tỉnh Nam Định, Thái Bình tổ chức. Từ hai quyển sách trên và từ bản thần phả, thần tích ở đình làng Vỵ Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nơi thờ Tô Trung Từ làm ông Tổ nghề trồng cây cảnh Việt Nam có thể rút ra mấy điểm quan trọng về Tô Trung Từ.
1- Tô Trung Từ là con trai của Đức Tô Hiến Thành
Khi nghiên cứu về Tô Trung Từ, người ta thường đặt câu hỏi là giữa Tô Hiến Thành và Tô Trung Từ có mối quan hệ gì với nhau vì:
- Hai người sinh trước sau nhau khoảng 40 - 50 năm (Tô Hiến Thành sinh năm 1102; Tô Trung Từ khoảng năm 1150).
- Hai người cùng làm Thái úy phụ chính cho hai triều vua Lý kế tiếp (Tô Hiến Thành phụ chính Lý Cao Tông 1175; Tô Trung Từ phụ chính Lý Huệ Tông 1211, cách nhau 36 năm).
- Hai người cùng được phong ấp gần nhau (Thái ấp của Tô Hiến Thành ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình ngày nay; Thái ấp của Tô Trung Từ ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà ngày nay).
Câu hỏi trên, đã được sách “Nhà Trần và con người thời Trần”, giải đáp. Nhà báo Nguyễn Sĩ Chân, báo Kinh tế và Đô thị (Hà Nội) ở trang 216 quyển sách trên đã viết: “Năm Canh Thìn, ngài Trần Hấp sinh ra Trần Quý còn có tên là Lý. Ông Lý lấy được con gái Thái úy nhà Lý là Tô Hiến Thành”. Tư liệu này, ông Nguyễn Sỹ Chân trích dịch từ sách “Trần gia thế tộc ký tự” (Gia phả ghi chép các đời dòng họ nhà Trần), bản chữ Hán, lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.Trần Lý là con rể Tô Hiến Thành; Tô Trung Từ là em vợ (hay anh vợ) Trần Lý. Như vậy Tô Trung Từ là con trai Đức Tô Hiến Thành.(Xem thêm bài: Trần Lý là con rể Đức Tô Hiến Thành - Tư liệu thành văn hay truyền khẩu; đăng trong Mục Khoa học - Lịch sử Website Họ Tô Việt Nam).
2- Tô Trung Từ là anh vợ Trần Lý, ông Tổ của các vua Trần
Các tài liệu trước nay đều nói Tô Trung Từ là em vợ Trần Lý, có lẽ chỉ vì một lý do là Trần Thị Dung, con gái Trần Lý gọi Tô Trung Từ bằng cậu.
Nhưng xem trong hai quyển sách nói trên, thì Tô Trung Từ không thể là em vợ Trần Lý. Trang 62 sách “Thái Bình với sự nghiệp thời Trần”, Nguyễn Thanh Vân, nguyên Trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Thái Bình viết: “Khi đã trở thành một gia đình làm ăn thịnh vượng, cụ Hấp thông gia với Họ Tô là nhà hào phú và có cháu là Tô Trung Từ đang làm quan cho triều Lý. Qua Tô Trung Từ, con cụ Hấp là Trần Lý đã xin được một chân đốc gác và giữ nguyên vật liệu của vua Lý ở làng Quan Bế, bên cạnh làng Lưu Xá, dùng vào việc xây dựng hành cung Ngự Thiên của vua Lý Cao Tông ở Hưng Nhân”. Theo một tài liệu tham khảo khác thì con gái Tô Hiến Thành là Tô Thị Hiền khi kết duyên với Trần Lý mới có 15 tuổi. Nếu Tô Trung Từ là em vợ Trần Lý thì lúc đó còn là một thiếu niên, sao có thể làm quan trong triều nhà Lý và xin cho Trần Lý làm chân quản lý vật liệu xây cung Ngự Thiên.
“Phả hệ họ Trần” in trong tạp chí Văn hóa Họ Trần số 1 - Tháng 9-2010 ghi rõ vợ Trần Lý là Tô Phương Lan sau được phong là Nguyên Từ Hoàng hậu “Có anh là Tô Trung Từ làm quan triều Lý”.
Còn Trần Thị Dung gọi Tô Trung Từ bằng “cậu” đó là cách xưng hô của người Thái Bình, quê của Tô Trung Từ và Trần Thị Dung. Ở Thái Bình, trước năm 1945, anh trai, em trai mẹ đều gọi là cậu; chị gái, em gái bố đều gọi là cô.
3- Công lao của Tô Trung Từ với triều Lý
Từ đời vua Lý Anh Tông, nhà Lý bắt đầu suy vong, nhưng đến đời Lý Cao Tông thì sự suy vong càng nghiêm trọng, đặc biệt là từ khi Tô Hiến Thành qua đời. Trong nước thì loạn lạc triền miên, bên ngoài thì quân Tống, quân Chiêm Thành quấy phá biên giới. Là quan võ của triều đình, chắc Tô Trung Từ phải nhiều lần tham gia đánh dẹp, nhưng trong sử sách không thấy nói đến vì như trên đã nói, chính sử chỉ ghi chép những sự kiện có liên quan đến Tô Trung Từ trong ba năm 1209, 1210, 1211.
Còn trong hai quyển sách về thời Trần kể trên, cũng chỉ nói đến những hoạt động quân sự của Tô Trung Từ, khi ông liên kết với cha con Trần Lý. Lúc đó ông trấn thủ vùng Nam Định. Chỉ trong hai năm 1209, 1210 đã ba lần đem quân dẹp loạn ở Ninh Bình, Thanh Hóa; về giải cứu cung Ngự Thiên, bảo vệ Thái tử Sảm khi bị Đinh Khá tấn công; về bảo vệ kinh thành Thăng Long khi bị Đỗ Quảng đánh phá.
Với những công lao to lớn, Tô Trung Từ được vua nhà Lý phong chức Điện tiền chỉ huy sứ năm 1210 và chức Thái úy phụ chính là chức võ quan cao cấp nhất trong triều đình vào đầu năm 1211.
Và sau này, ông còn kiên quyết chống lại âm mưu của Trần Thủ Độ, chiếm ngôi nhà Lý.
4- Tô Trung Từ có công lớn với nhà Trần
Ngoài việc Tô Trung Từ xin cho Trần Lý làm chân quản lý nguyên vật liệu xây cung Ngự Thiên; trong sách “Nhà Trần và con người thời Trần” hai tác giả Dương Quảng Châu và Phạm Hóa, chuyên viên bộ phận nghiên cứu lịch sử dân tộc thuộc Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Thái Bình đã viết (trang 132): “Điều này chứng tỏ Họ Tô cách đây 800 năm, thời Trần Lý làm rể có uy thế đến chừng nào. Trần Lý, nhờ có Tô Trung Từ mà mạnh dần lên cả về mặt kinh tế và chính trị. Sau đời Trần Lý, các con ông là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, cháu họ là Trần Thủ Độ… sau sự biến kinh thành năm 1209 (loạn Quách Bốc) đã được Tô Trung Từ đưa vào kinh sư để dần thâu tóm quyền lực từ trung ương”.
Là một trung thần của nhà Lý (như cha ông là Tô Hiến Thành), Tô Trung Từ đưa con cháu Họ Trần vào triều đình, cũng mong có thêm người tài để phù vua Lý. Khi thấy triều chính nhà Lý ngày càng thối nát, thế lực Họ Trần ngày càng mạnh lên, biết sức mình không cản được đà suy vong nên mùa thu năm 1211, lúc đang ở địa vị cao sang là Thái úy phụ chính, ông đã treo ấn từ quan về sống ẩn dật ở làng Vỵ Khê. Việc Họ Trần đoạt ngôi nhà Lý là ngoài ý muốn của Tô Trung Từ, nhưng không thể vì thế mà không nói đến công lao to lớn của ông đã tạo cho Họ Trần, thế lực kinh tế, chính trị, quân sự rất quan trọng ban đầu.
5- Tô Trung Từ là ông Tổ nghề trồng cây cảnh Việt Nam
Đình làng Vỵ Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thờ Bản cảnh Thành hoàng Hổ mang đại vương là tướng Nguyễn Công Thành có công giúp Ngô Vương Quyền đánh giặc Nam Hán và thờ ông Tổ nghề trồng cây cảnh là Tô Trung Từ.
Bản thần phả của đình do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) phần về Tô Trung Từ viết: “Đến cuối đời Lý, năm Tân Mùi (1211), Thái úy Tô Trung Từ đem quân tu sửa thành Bình Giã làm một thành lớn, dạy dân địa phương trồng hoa, tỉa cây để sinh sống, lại sai người mở một con sông nhỏ từ biển chảy vào Nam chợ, khiến cho việc qua lại của các thuyền buôn được thuận lợi. Từ đây mỗi khi đến ngày 4 tháng Giêng, dân địa phương làm giỗ Tô công theo tiền lệ, dùng lễ tam sinh, tam ngư. Cho nên đến năm Tân Sửu (1481), Phạm Đôn Lễ người xã Hải Triều, huyện Ngự Thiên đỗ khoa thi Đình, khi trở về nhân qua đây đã tiến dâng một đôi câu đối rằng:
Tài thụ chủng hoa Tô Tướng thủy
Nguyễn trang Vị xã hiệu chi tiên
(Dịch ra có nghĩa là: Tỉa cây, trồng hoa do Tướng công Họ Tô truyền dạy trước – Trại Nguyễn là tên ngày xưa của xã Vị bây giờ)
Thiết nghĩ nên hỏi tổ tìm tông, già nên dạy trẻ, gần nên khuyên xa, không được quên sự nghiệp lúc khởi đầu, đầy gian nan vất vả để tạo được thành công”.
Ở đình cũng còn lưu giữ một văn bản nói cụ thể hơn về sự việc này: “Căn cứ vào thần phả, tư liệu Hán Nôm còn lại và truyền thuyết ở địa phương thì lịch sử cụ Tổ làng nghề trồng hoa cây cảnh như sau:
Thời vua Lý Cao Tông, Tô Trung Từ được phong Điện tiền chỉ huy sứ. Đến năm 1210 được phong Chiêu thảo đại sứ. Mùa xuân năm Tân Mùi (1211), Thái tử Sảm lên ngôi là Lý Huệ Tông đã phong Tô Trung Từ làm Thái úy phụ chính. Cũng vào năm Tân Mùi (1211) quan Thái úy Tô Trung Từ đã đến Nguyễn gia trang thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đồng màu mỡ, dân cư thuần phác, ông đã cho lập hành cung để đi về. Về sống tại đây ngoài việc khuyến khích sản xuất, mở rộng nghề nông tang, ông còn dạy dân địa phương trồng hoa, trồng cây cảnh làm kế sinh sống lâu dài… Nhớ công ơn cụ Tổ làng nghề trồng hoa cây cảnh, nhân dân ta đã thờ cúng Ngài tại đình làng và hàng năm kỵ Ngài vào ngày 4 tháng Giêng âm lịch”
6- Vết bôi đen cần xóa bỏ
Đại Việt sử ký toàn thư viết về Tô Trung Từ chỉ độ 10 dòng nhưng đều nói về công lao của Tô Trung Từ với nhà Lý và cả nhà Trần.
Nhưng trong quyển Đại cương Lịch sử Việt Nam - Tập I (NXB Giáo dục - 2010) ở trang 170 có lẽ lấy tư liệu từ Việt sử lược có viết một câu: “Tháng 7 năm 1211, Tô Trung Từ đang đêm sang Gia Lâm tư thông với công chúa Thiên Cực, bị quan nội hầu Vương Thượng là chồng công chúa giết”.
Thông tin trên chứa đựng nhiều điều phi lý:
- Thiên Cực công chúa là ai: Cũng theo quyển Đại cương lịch sử Việt Nam - Tập I thì năm 1209, Hoàng tử Sảm (con vua Lý Cao Tông) chạy loạn về Hải Ấp lấy con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung làm vợ. Năm 1210 lập Trần Thị Dung làm Nguyên phi, năm 1217 Trần thị được phong Hoàng hậu. Năm 1225, Huệ Tông truyền ngôi cho Lý Chiêu Hoàng, tự mình làm Thái Thượng hoàng và Trần Thị Dung là Hoàng Thái hậu.
Năm 1226, Lý Huệ Tông bị truất bỏ ngôi Thượng hoàng, đưa ra tu ở chùa Chân Giáo, gọi là Thiền sư Huệ Quang. Thái hậu Trần Thị Dung bị giáng làm Thiên Cực công chúa và gả cho Trần Thủ Độ. Như vậy Thiên Cực công chúa là Trần Thị Dung và chồng Trần Thị Dung là Trần Thủ Độ. Tô Trung Từ với Trần Thị Dung là bác cháu; Tô Trung Từ lúc đó đã là Thái úy phụ chính, tuổi đã lục tuần làm sao lại có chuyện loạn luân đó được. Theo ông Tô Ngọc Cừ là hậu duệ của Đức Tô Hiến Thành ở làng Đồn Điền, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa thì do Tô Trung Từ kiên quyết chống lại việc cướp ngôi nhà Lý, nên nhân một tiệc rượu ở nhà Trần Thủ Độ, ông bị chuốc rượu cho say rồi khiêng bỏ vào buồng của Trần Thị Dung. Từ đó dựng vụ án chính trị thành vụ án ghen tình!
- Vương Thượng là ai: Xem trong lịch sử thời Lý - Trần thì không thấy người nào có tên là Vương Thượng. Vương Thượng là từ Hán Việt dịch ra có nghĩa là “trên vua”. Trong thời đại phong kiến, không ai dám xấc xược đặt tên như vậy. Việc đó là phạm tội “khi quân” (khinh vua) và bị khép vào án tử hình. Như trên đã nói chồng Thiên Cực công chúa là Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ được tôn là Thượng phụ, phải chăng từ đó gọi trại đi là Vương Thượng. Có lẽ để tránh tiếng cho một việc làm xấu xa, hèn hạ là giết hại Tô Trung Từ, bác ruột của Trần Thị Dung, người đã đưa Trần Thủ Độ vào làm quan triều Lý, rồi Trần Thủ Độ thâu tóm quyền lực để cướp ngôi nhà Lý, nên phải mạo danh như vậy.
- Về thời gian cũng là phi lý: Năm 1211, Tô Trung Từ đang là Thái úy phụ chính dưới triều Lý Huệ Tông. Thấy chính sự nhà Lý ngày càng rối ren, thế lực Họ Trần trong triều đình ngày một mạnh lên, Tô Trung Từ đã treo ấn từ quan về ở ẩn ở làng Vỵ Khê. Ở đây, ông đã dạy cho dân nghề trồng hoa, cây cảnh. Việc đó phải kéo dài nhiều năm, sau năm 1211. Nên khi ông mất, nhân dân lập đền thờ và tôn ông làm ông Tổ nghề trồng cây cảnh. Việc sát hại Tô Trung Từ nếu có, không thể xẩy ra vào năm 1211, lúc đó Trần Thị Dung mới là Nguyên phi của Lý Huệ Tông. Việc đó nếu có, chỉ có thể xẩy ra từ năm 1226 về sau, lúc Trần Thị Dung bị giáng làm Thiên Cực công chúa, lấy Trần Thủ Độ và nhà Trần mới đoạt ngôi nhà Lý.
7- Dấu tích của Tô Trung Từ ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình:
Theo sách “Thái Bình với sự nghiệp thời Trần” thì Tô Trung Từ có đất phong ở làng Phù Ngự (ấp Ngừ), huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng, trấn Sơn Nam. “Phù Ngự của Tô Trung Từ nay gồm các thôn Ngừ, Nại, Tè (thuộc xã Liên Hiệp), thôn Khuốc (xã Phúc Khánh), huyện Hưng Hà và các xã giáp ranh xung quanh. Con cháu Tô Trung Từ là hai chi họ Tô Hiến, Tô Mạnh vùng này cho biết: cho đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945, Họ Tô trong vùng (ấp Ngừ trước kia) vẫn tập trung về đây (làng Ngừ, xã Liên Hiệp) mỗi khi tế Tổ hoặc khi làng vào đám. Các làng xung quanh, đều rước kiệu về hội tế. Điều này chứng tỏ Họ Tô cách đây 800 năm, thời Trần Lý làm rể có uy thế đến chừng nào” (Dương Quảng Châu - Phạm Hóa, Sđd trang 108 - 110).
Tháng 5 năm 2014, Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam tiến hành một cuộc khảo sát điền dã để xác minh những tư liệu trên, thấy tình hình có hơi khác. Hiện nay chỉ có thôn Hương Xá (thường gọi là làng Tè), xã Phúc Khánh có người Họ Tô mà là hai chi họ Tô Tiến, Tô Đình. Hai chi họ ở đây đã lâu đời, xưa kia có gia phả nhưng trong kháng chiến chống Pháp, gia phả bị cháy. Nay lập lại gia phả nhưng chỉ ghi được ông Tổ tám đời cách đây khoảng 200 năm là Tô Tiến Xương và Tô Đình Nhậm nên cũng không biết là Tổ tiên mình có phải là Tô Trung Từ không?
Ở đây xưa kia có một ngôi đình lớn trong khuôn viên rộng đến 2ha thờ Thành hoàng làng, nhưng các cụ cao tuổi cũng không biết đình thờ ai chỉ thấy gọi là đền Bóng Thánh hay đền Bóng Ông. Hàng năm, đình mở hội ngày 1 tháng Tư âm lịch. Các làng xung quanh đều rước kiệu về dự hội.
Đến năm 1951, giặc Pháp cho quân về phá đình, lấy vật liệu xây bốt Cầu Lại. Các sắc phong, thần tích đều bị đốt, chỉ còn một pho tượng Thánh bằng đồng lăn lóc trong đống đổ nát, đã được ông Tô Đình Bổ đem về cất giữ và sau đó đưa tượng vào thờ ở miếu Vua Bà là ngôi miếu thờ người cung phi thứ năm của Thục An Dương Vương.
Năm Quý Mùi (2003), Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà ra quyết định giao cho thôn Tè (Hương Xá) xây lại ngôi đền thờ Tô Trung Từ. Đến đây dân làng mới biết ngôi đình xưa kia thờ Tô Trung Từ làm Thành hoàng làng và pho tượng đồng chính là tượng Tô Trung Từ. Ngôi đền xây xong làm nơi thờ chung Tô Trung Từ (ở gian chính giữa), Vua Bà và Thánh Mẫu. Dân làng vẫn theo lệ cũ tổ chức lễ hội vào ngày 1 tháng Tư âm lịch.
Như vậy có thể hai chi họ Tô Tiến, Tô Đình là hậu duệ của Tô Trung Từ nhưng bị “tam sao thất bản” thành chi họ Tô Hiến, Tô Mạnh.
Theo các cụ cao tuổi chi họ Tô Tiến thì chi họ Tô Tiến ở đây với chi họ Tô Văn, thôn Thọ Khê, xã Cộng Hòa, cùng huyện có mối quan hệ họ hàng với nhau. Họ Tô Văn, ông Tổ là Tô Tiến Triều và xưa kia khi làng Tè vào đám, chi họ Tô Văn vẫn làm cỗ đem vào cúng. Như vậy có thể chi họ Tô Văn, thôn Thọ Khê, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà cũng là hậu duệ của Tô Trung Từ.
Tô Bỉnh
- Câu chuyện lịch sử về dòng sông Tô Lịch
- TRẦN LÝ LÀ CON RỂ ĐỨC TÔ HIẾN THÀNH - TƯ LIỆU THÀNH VĂN HAY TRUYỂN KHẨU ?
- Trao đổi về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong Báo cáo tổng kết 20 năm “Chắp nối dòng họ - Tìm về cội nguồn”
- Trao đổi thêm về nguồn gốc cộng đồng người Việt ở vùng Tam Đảo, Quảng Tây, Trung Quốc
- Bài hát “Nam bộ kháng chiến” và tác giả Tạ Thanh Sơn
- Ở chiến trường tôi vẽ chân dung Bác
- Những vần thơ về Cách mạng tháng Tám
- Nấm mộ và cây trầm
- TÔ TỘC TRONG VIỆC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO ĐẦU TIÊN
- TÔ LỊCH LÀ NHÂN DANH HAY LÀ ĐỊA DANH
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 16
Tháng hiện tại : 18305
Tổng lượt truy cập : 2748748