TÔ LỊCH LÀ NHÂN DANH HAY LÀ ĐỊA DANH

 

Thư về Tòa soạn: Tô lịch là tên một dòng chảy quan trọng của Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Vậy đó là một địa danh. Nhưng tôi lại nghe có một vị thần thiêng của Hà Nội xưa và nay, cũng tên là Tô Lịch. Phải chăng đây là ông thần của sông Tô Lịch? Và như thế, đây là một trường hợp chuyển hóa địa danh thành nhân danh?

Vũ Phương

Khoa Địa lý, Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Theo chúng tôi, có lẽ ta nên đặt vấn đề ngược lại thì mới đúng. Tức đây chính là một trường hợp chuyển hóa từ nhân danh sang địa danh.

Bởi vì, trước hết, đã có một nhân vật lịch sử (và huyền thoại) Hà Nội. mang họ Tô, tên Lịch. Đó là người đứng đầu cộng đồng dân cư đầu tiên của Ngôi làng Hà Nội gốc, ở vào khoảng thời gian đầu Công nguyên. Theo sự hình dung lại về sau của sách Tây Hồ chí thì ngôi làng này dựa vào cái vị thế là cao điểm, thiêng liêng và tiêu điểm của một gò đất có tên là Nùng Sơn (núi Nùng) hoặc còn có tên nữa là Long Đỗ (rốn rồng). Đó chính là vị trí chính giữa thành cổ Hà Nội, chỗ Cửa Bắc (chính Bắc môn) chiếu thẳng vào. Hoặc, nếu lấy điểm chuẩn là Ngũ Môn Lâu (Đoan Môn) thì từ chính nam, chiếu thắng lên. Quả gò (“núi”) này còn bám lấy dòng chảy, cũng là nguồn nước, của một con sông đi ngang qua phía bắc quả gò, sát ngay cửa Chính Bắc Môn (bây giờ đang chảy ngầm dưới lòng đường Phan Đình Phùng). Hoặc nữa, còn dựa vào - ở mạn phía tây - một nhánh của dòng sông mà về sau có tên là Kim Ngưu, từ hồ Tây (còn có tên là hồ Trâu Vàng) chảy qua vùng Ngọc Hà (để dấu tích lại thành con hồ dài và cong, trong vườn Bách Thảo). Đó là làng Long Đỗ.

Theo sách Việt Điện u linh (dẫn lại các sách cổ Trung Hoa là Giao Châu ký Báo cực truyện) thì Tô Lịch - già làng, đứng đầu làng Long Đỗ - vốn là người đức độ, thương dân, gặp khi đói kém, thường hay đem hết thóc gạo trong nhà ra giúp dân. Vì thế, sau khi mất, Tô Lịch được tôn làm thần của làng. Vì làng vốn có tên Long Đỗ, mà nhiều khi thần làng cũng được gọi bằng tên làng, nên Tô Lịch trở thành Thần Long Đỗ (Long Đỗ Thần Quân). Đồng thời, người đứng đầu làng trở thành thần làng, cũng cho con sông chảy qua làng mượn luôn tên gọi của chính mình. Con sông, vì thế và từ đấy có tên là sông Tô Lịch (Tô Lịch giang). Địa danh Tô Lịch được ghi vào chính sử (Trung Hoa) lần đầu tiên là khi sách Lương thư chép việc: Năm 545, Lý Nam Đế cho xây tòa thành đầu tiên trên đất cổ Hà Nội, đã gọi tòa thành đó là “Tô Lịch giang thành” (thành sông Tô Lịch).

Trở lại với tên người (và thần) Tô Lịch (Long Đỗ), thì đã có thời điểm, nhân danh này được ghi vào sách cổ Việt Điện u linh (thế kỷ 14) một cách rất quan trọng và thú vị. Ấy là khi nổ ra cuộc chiến huyền kỳ giữa viên quan cai trị cáo già kiêm thầy phù thủy cao tay của nhà Đường là Cao Biền, năm 866, với chính thần Tô Lịch. Thần đã hiển hiện ở chỗ cửa Đông thành Đại La mà Cao Biền đang cho xây dựng, ý muốn báo cho kẻ thống trị ngoại bang biết rằng: Đất này vốn đã có chủ, là người Việt (mà thần là đại diện) rồi. Không chịu thừa nhận chân lý và thực tế đó, Cao Biền đã gây chiến. Kết quả là kẻ ngoại lai đại bại, phải xây đền thờ vị thần (gốc người) bản địa chiến thắng! Đó chính là  ngôi đền Bạch Mã, đang tọa lạc giữa phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm hiện nay. Nơi này, xưa thuộc phường Hà Khẩu (đổi từ tên gốc: Giang Khẩu, do phải kiêng tên chúa Trịnh Giang). Tên phường cổ này có nghĩa đen là “Cửa sông” - nơi sông Tô Lịch xưa thông nước với sông Cái (Hồng Hà).

Cao trên nóc đền Bạch Mã, hiện vẫn còn tấm hoành phi với bốn chữ đại tự: Đông trấn linh từ (Đền thiêng trấn giữ phía Đông kinh thành). Chỗ “phía Đông kinh thành” này, cũng là nơi có một dòng quan trọng của sông Tô Lịch xưa chảy qua. Dưới hàng chữ “Đông trấn linh từ” này, ở ngai thờ chính, là hàng chữ ghi tên vị thần được tôn sùng ở đây: “Long Đỗ Thần Quân Quảng Lợi Bạch Mã đại vương”. Hai chữ mở đầu danh hiệu gồm mười chữ phức hợp các lớp lang thần linh ở nơi này, cho thấy rõ: đầu tiên, lâu đời lắm rồi, vị thần (và người) được thờ tại đây, chính là: Tô Lịch. Nhân vật lịch sử được chuyển hóa thành bậc nhân thần này, trên dặm dài thời gian lịch sử, cũng được vinh thăng liên tiếp các vị thế và danh hiệu tôn quý: từ chỗ là Thần thành hoàng của ngôi làng Hà Nội gốc, trở thành “Đô phủ thành hoàng thần quân” - thành hoàng của cả tòa phủ thành Đại La (do chính quan chức đô hộ nhà  Đường, trong thời “Bắc thuộc”, buộc phải phong), rồi là “Quốc đô Định bang Thành hoàng đại vương” - thần của cả quốc gia, ở buổi đầu thời tự chủ (do chính người khai sinh kinh đô Thăng Long Lý Thái Tổ - tặng phong).

                                                                     Tô Bá Trọng s.t.