Thôn Hương Xá xưa thuộc xã Khánh Mỹ, tổng Tống Xuyên, huyện Hưng Nhân, phủ Thái Bình, có thời gian gọi là thôn Tè (vì ở cạnh bến Tè) thuộc xã Liên Hiệp, nay là thôn Hương Xá thuộc xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tuy Hương Xá là tên chính thức nhưng nhân dân trong vùng vẫn quen gọi là thôn Tè.
Ở đây từ xa xưa đã có một ngôi đình lớn trong khuôn viên rộng đến 2 ha. Đình làm bằng gỗ lim có tiền bái và hậu cung, hai bên có tả, hữu vu. Các cụ cao tuổi cũng không biết đình thờ ai, chỉ thấy gọi là đền Bóng Thánh hoặc đền Bóng Ông. Hàng năm đình mở hội vào ngày 1 tháng Tư âm lịch. Các làng xung quanh cũng rước kiệu về đây dự hội.
Sau năm 1945, do điều kiện lịch sử việc tế lễ bị mất đi.
Đến năm 1951, giặc Pháp cho quân về phá đình lấy vật liệu để xây bốt cầu Lại. Các sắc phong, thần tích, thần phả đều bị đốt. Chỉ còn 1 pho tượng thánh bằng đồng lăn lóc trong đống đổ nát đã được ông Tô Đình Bổ đem về lau rửa và bảo quản ở nhà. Sau đó ông Bổ đưa tượng vào thờ ở miếu Vua Bà là ngôi miếu thờ người cung phi thứ 5 của Thục An Dương Vương.
Đến năm cải cách ruộng đất (1955-1956) đất đình chùa được chia cho dân ở. Đất nền đình bị đào đem đi làm đường, nền đình cũ nay là một ao sâu. Di tích cũ của ngôi đình chỉ còn lại một cây duối cổ thụ.
Năm Quý Mùi (2003) Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà đã quyết định giao cho thôn Tè xây lại ngôi đền thờ Tô Trung Từ. Đến đây dân làng mới biết ngôi đình xưa kia thờ Bóng Thánh chính là thờ Tô Trung Từ làm thành hoàng làng và pho tượng đồng chính là tượng Tô Trung Từ. Ngôi đền do nhà nước và nhân dân cùng làm bằng tiền của và công sức do nhân dân đóng góp và một phần kinh phí đầu tư của nhà nước. Ngôi đền được xây 5 gian theo kiểu cổ: tường xây, lợp ngói mũi, 3 gian cửa gỗ, nhưng cột, kèo, xà bằng bê tông giả gỗ. Đền mới cách đình cũ chừng 30m về phía Đông. Ngôi đền làm xong thành nơi thờ chung Vua Bà, Tô Trung Từ và Thánh mẫu. Lúc đầu cũng có ý định gian giữa thờ Vua Bà là người có ngôi vị cao nhất nhưng trưởng thôn Hương Xá đã đưa ra quyết định: Vì Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà có văn bản giao cho thôn Tè làm lại đền thờ Tô Trung Từ nên gian giữa phải là bàn thờ Tô Trung Từ. Tượng Bóng Thánh được đưa về đây để thờ. Nghe nói trong ruột tượng có vàng yểm nhưng đã bị kẻ trộm moi lấy mất.
Dân làng vẫn duy trì lệ cũ tổ chức lễ hội vào ngày 1 tháng Tư âm lịch.
Trong cuốn sách Thái Bình với sự nghiệp thời Trần, hai tác giả (một bài viết trong sách) Dương Quảng Châu - Phạm Hóa đã viết: “Con cháu dòng họ Tô Trung Từ ở 2 chi Tô Hiến, Tô Mạnh vùng này cho biết: cho đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945, họ Tô trong vùng (ấp Ngừ trước kia) vẫn tập trung về đây mỗi khi tế tổ hoặc khi làng vào đám. Các làng xung quanh đều rước kiệu đến hội tế. Điều này chứng tỏ họ Tô cách đây 800 năm, thời Trần Lý làm rể có uy thế đến chừng nào”.
Đối chiếu với thực tế địa phương thì đoạn viết nói trên có phần đúng đó là nói về nhân vật được thờ và lễ hội. Nhưng cũng có phần phải nghiên cứu thêm, đó là phần nói về con cháu Tô Trung Từ. Theo bài viết thì con cháu Tô Trung Từ là 2 chi họ Tô Hiến và Tô Mạnh nhưng ở làng Tè hiện nay chỉ có 2 chi họ Tô đã sinh sống lâu đời là chi họ Tô Tiến và Tô Đình. Nhưng cả hai chi họ này gia phả bị mất, cháy những năm kháng chiến chống Pháp. Hiện nay có lập lại gia phả nhưng cũng chỉ chép được ông tổ cách đây 8 đời (với các cụ cao tuổi là ông tổ 5 đời). Vì không còn gia phả cũ nên hai chi họ Tô Tiến, Tô Đình cũng không biết mình có phải là con cháu Tô Trung Từ hay không. Nhưng chỉ duy nhất làng này có họ Tô, các làng xung quanh không có và ở đây lại có đền thờ Tô Trung Từ. Không phải ngẫu nhiên mà người bảo quản pho tượng thờ Tô Trung Từ lúc đình bị giặc Pháp phá lại là người họ Tô, cụ Tô Đình Bổ. Điều đó chứng tỏ từ xa xưa cho đến hiện nay người họ Tô ở đây cũng cảm thấy có sự gắn bó giữa dòng họ với vị thần được thờ làm Thành hoàng của làng, xưa thì chưa rõ tên tuổi, còn nay đã được khẳng định đó là Tô Trung Từ. Còn việc nhầm lẫn từ Tô Tiến, Tô Đình sang Tô Hiến, Tô Mạnh cũng là chuyện bình thường của người viết xưa nay nếu không đi khảo sát điền dã mà chỉ đọc trên sách vở.
Nếu đây là 2 chi họ dòng dõi Tô Trung Từ thì dòng họ Tô Việt Nam lại có thêm tin vui: ngoài 4 chi họ Tô ở Bao Hàm, Đồn Điền, Ngư Lộc, Hải Lộc thì nay lại tìm thêm được 2 chi họ là dòng dõi Đức Tô Hiến Thành.
Tô Văn Thìn
Chủ tịch Hội đồng họ Tô huyện Hưng Hà
- Câu chuyện lịch sử về dòng sông Tô Lịch
- NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ THÁI ÚY TÔ TRUNG TỪ
- TRẦN LÝ LÀ CON RỂ ĐỨC TÔ HIẾN THÀNH - TƯ LIỆU THÀNH VĂN HAY TRUYỂN KHẨU ?
- Trao đổi về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong Báo cáo tổng kết 20 năm “Chắp nối dòng họ - Tìm về cội nguồn”
- Trao đổi thêm về nguồn gốc cộng đồng người Việt ở vùng Tam Đảo, Quảng Tây, Trung Quốc
- Bài hát “Nam bộ kháng chiến” và tác giả Tạ Thanh Sơn
- Ở chiến trường tôi vẽ chân dung Bác
- Những vần thơ về Cách mạng tháng Tám
- Nấm mộ và cây trầm
- TÔ TỘC TRONG VIỆC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO ĐẦU TIÊN
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 665
Tháng hiện tại : 17940
Tổng lượt truy cập : 2622459