VIẾNG THĂM CHI HỌ TÔ THÔN ĐẠI HOÀNG

Ngày 1 tháng Tám năm Ất Mùi (12-9-2015), ông Tô Hồng Khoái, Chủ tịch và ông Tô Nhãn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Họ Tô tỉnh Thái Bình về dự lễ khánh thành lăng mộ Thế tổ các chi 1, 2, 3 và ngày giỗ Thủy tổ Tô Tiếp, Họ Tô làng Đại Hoàng, nay là thôn Thượng, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Được nghe ông Tô Công Tăng, Trưởng tộc báo cáo quá trình phát triển, trưởng thành của dòng họ, tôi (Tô Trùng Dương) lược ghi những nét tóm tắt về lịch sử truyền thống Họ Tô làng Đại Hoàng.

Đức Thủy tổ Họ Tô làng Đại Hoàng là Tô Tiếp sinh năm Canh Dần (1650) đời vua Lê Thần Tông(1) ở làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hiện nay. Thời kỳ đó đất nước loạn lạc, nhân dân đói khổ lầm than. Thân phụ Thủy tổ là Tô Thiện sinh được 3 người con trai là Tô Triệu, Tô Tiếp, Tô Tập. Cha mẹ tạ thế, ba anh em đưa nhau sang vùng đất này khai phá bãi hoang sinh sống. Ba anh em chia ở 3 nơi: Cụ Tô Triệu ở làng Đại An nay là xã Tây An, cụ Tô Tiếp ở làng Đại Hoàng, nay là xã Tây Lương, cụ Tô Tập ở làng Đại Hữu nay là xã Tây Ninh.

Ngày ấy làng Đại Hoàng còn là vùng đất bồi hoang sơ ở cửa sông Trà Lý. Cụ đã cùng các cụ Tổ họ Hoàng, họ Nguyễn đổ bao công sức khai hoang, vỡ hóa, thau chua, rửa mặn lập nên những cánh đồng mầu mỡ. Cụ dành dụm tiền bạc mua được chức Xã sử của làng. Có chức này thì không phải lao công, tạp dịch mỗi khi làng có việc.

Cụ Tiếp sinh được hai con trai là Tô Tiệp, Tô Chấn. Cụ mất ngày 2 tháng Tám năm Tân Sửu (1621) hưởng thọ 72 tuổi. Cụ Tô Chấn là con thứ, mất sớm hay đi đâu không rõ. Cụ Tô Tiệp sinh năm Canh Thân (1680), tham gia các chức sắc địa phương, sau giữ chức Huyện thừa huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam. Cụ sinh được ba người con trai là Tô Vỵ, Tô Mạo, Tô Thức trở thành ông Tổ của ba chi 1, 2, 3 Họ Tô thôn Thượng, xã Tây Lương hiện nay.

Cụ Tô Vỵ là người làm Chánh tổng đầu tiên khi thành lập tổng Đại Hoàng, sau đó con cháu Họ Tô làng Đại Hoàng nối tiếp nhau làm Chánh tổng đến Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Cụ Tô Minh đời thứ tư là Bá hộ chánh cửu phẩm đã đứng lên xây dựng đình, chùa, miếu của làng, được ghi công vào bia đá ở đình hiện còn lưu giữ. Cụ giỏi làm ăn trở thành người giầu có nhất vùng. Vào năm Tự Đức thứ 11 (1858), trời làm hạn hán mất mùa mấy năm liền. Cụ đã mở kho thóc của nhà để cứu đói cho dân khắp vùng. Được vua Tự Đức tặng bức hoành phi có 4 chữ “Lạc Quyên Nghĩa Hộ” hiện còn treo ở nhà thờ chi 2.

Đời thứ năm có cụ Tô Đình Hịch, sinh năm 1932, đỗ Tú tài được phong chức Kỵ úy, trấn thủ đồn Trà Lý, đã có công cùng phó tướng là Cai Giai người xã Tây An dẹp tan bọn cướp biển là Khách Lục (người Tàu) và Tuần Thịnh giữ yên vùng biển Thái Bình. Cụ còn có công khẩn hoang lập ấp, lập nên một làng mới là thôn Trung Tiến, xã Tây Lương, khi mất được tôn là Thành hoàng làng.

Tiếng trống Tiền Hải ngày 14-10-1930 đã thức tỉnh các hậu duệ trong dòng họ (nhiều người là Kỳ hào, chức sắc) bước theo con đường của Đảng. Nổi lên trong những người này có Tô Đình Thụ, người thanh niên cách mạng đầu tiên của huyện Tiền Hải và Tô Đình Hòe khi còn là học sinh trường Bưởi đã tham gia phong trào của Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939), vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình tại nhà Đấu Xảo - Hà Nội nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938. Có thể nói hầu hết cán bộ lão thành cách mạng xã Tây Lương là người Họ Tô làng Đại Hoàng như Tô Đình Thụ, Tô Đình Hòe, Tô Lang, Tô Trình, Tô Thị Hải…

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, lớp lớp con em Họ Tô làng Đại Hoàng lại hăng hái lên đường tham gia hai cuộc kháng chiến, trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội, công an như Đại tá - Nhà giáo nhân dân Tô Như Khuê, Đại tá Tô Như Hoán, Đại tá Tô Đình Thứ, Đại tá Tô Đình Bích, hoặc cán bộ lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh như Tô Phương Ngải, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, Tô Trọng Tôn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai, hoặc là các doanh nhân thành đạt như Tô Đức Nhuần, Tô Văn Dân…

Uống nước nhớ nguồn, con cháu trưởng thành là nhờ phúc ấm tổ tiên. Nên hàng chục năm qua dòng họ đã nhận thức được chân lý này, đã xây dựng tu bổ nhà thờ Tổ và nhà thờ các chi.

Đã di chuyển quy tụ mộ Tổ ở rải rác nhiều nơi về một khu. Xây dựng hai khu lăng đá là nơi yên nghỉ của các cụ Tổ đời thứ nhất đến đời thứ ba. Chi phí hết trên 250 triệu đồng bằng tiền đóng góp theo xuất đinh và tự nguyện công đức. Quy định mỗi xuất đinh góp 1000 viên gạch, 1 bao xi măng (các cháu nhỏ, các cháu đang học đại học, đang làm nghĩa vụ quân sự được miễn). Nhiều người tự nguyện đóng góp ở mức cao, dưới đây chỉ liệt kê những người đóng góp 5.000.000đ trở lên:

Gia đình cụ Tô Cảo                  14.500.000đ

Gia đình cụ Tô Công Tăng       20.000.000đ

Gia đình ông Tô Như                30.000.000đ

Gia đình ông Tô Nhuần            30.000.000đ

Các cháu nội, tín cúng 5.000.000đ có Tô Tôn, Tô Liễu, Tô Hoan, Tô Thi, Tô Tuấn, Tô Hương, Tô Học, Tô Huy.

Các cháu ngoại:    Nguyễn Ngọc Bảo          20.000.000đ

Nguyễn Thái Lệ              5.000.000đ.

Nhân ngày giỗ Thủy tổ Tô Tiếp, người đã có công cùng Tiên công các dòng họ khác khai phá đất hoang lập nên xã Tây Lương giàu đẹp và khởi nguồn chi Họ Tô làng Đại Hoàng có lịch sử gần 400 năm với 14 đời truyền kế, con cháu Họ Tô làng Đại Hoàng nguyện cùng nhau phấn đấu học hành giỏi giang, làm ăn thành đạt để phát huy truyền thống ông cha và đền ơn Tiên tổ, góp phần xây dựng xã Tây Lương ngày càng phát triển trong phong trào “Xây dựng Nông thôn mới”, xứng danh là Quê hương Tiếng trống Tiền Hải năm 1930.

 

TTHTVN

Biên tập theo bài viết của Tô Trùng Dương, Tô Công Tăng và Lịch sử xã Tây Lương

 

 

 

 
   

(1) Trong bài viết là sinh năm Giáp Dần (1652). Đời vua Lê Thần Tông (1649-1662) chỉ có hai năm Dần: Canh Dần (1650) và Nhâm Dần (1662).