CHI HỌ TÔ LÀNG MAI VĨNH, XÃ VINH XUÂN, HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ


Đảng ủy, Chính quyền, Mặt trận xã Vinh Xuân tổ chức lễ khởi công xây dựng căn nhà Đại đoàn kết cho hộ ông Trần Văn Minh ở thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân, thuộc diện hộ nghèo (Ảnh TL).

          Chi Họ Tô làng Mai Vĩnh (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) có một quyển gia phả bằng chữ Hán, được bảo quản trong một hòm sơn son thiếp vàng. Mỗi khi cần mở xem, đều phải làm lễ kính cáo. Có ngôi nhà thờ đã 400 – 500 năm tuổi. Trong nhà thờ và lăng mộ Tổ tiên cũng có nhiều câu đối, đại tự bằng chữ Hán. Nhưng những tư liệu đó chưa có người dịch. Vì vậy con cháu cũng không biết Tổ tiên tên tuổi thế nào, từ đâu đến đây lập nghiệp và đến từ bao giờ. Trong nhà thờ còn có nhiều bằng, sắc; gần đây nhờ dịch thì chỉ biết đó là một số người đỗ đạt, làm quan được phong chức tước, cũng không làm sáng tỏ được gì thêm về nguồn gốc của chi họ.

          Còn theo lời truyền khẩu, cũng như theo các văn khấn những ngày tế lễ, trong nhà thờ họ và ở đình làng, thì Thủy tổ là ngài Tô Công Cường, không ghi tên vợ, kỵ ngày 30 tháng Chạp, quê ở Kẻ Chợ (phải chăng là Hà Nội), đến đây định cư lập nghiệp. Chi Họ Tô làng Mai Vĩnh đến nay là đời 21. Nếu tính mỗi đời là 30 năm thì Thủy tổ Tô Công Cường vào đây lập nghiệp khoảng đầu thế kỷ 15. Lúc đó đây là vùng đất mới, vốn là Châu Lỵ được vua Chiêm Thành là Chế Mân, dâng làm lễ vật cầu hôn công chúa Trần Huyền Trân và được vua Trần Anh Tông đổi là Hóa Châu, khoảng gần 100 năm. Có thể nói ngài Tô Công Cường là những lưu dân đầu tiên được vua Trần đưa vào khai khẩn cùng đất mới.

          Trong lăng mộ của ngài có câu đối:

          Khai thác Mai Sơn công tối đại

          Canh trân Vĩnh Thủy đức vua thâm.

          Trong câu đối có hai địa danh xưa Mai Sơn, Vĩnh Thủy và đã lấy hai chữ đầu của hai địa danh đó, ghép lại thành tên làng Mai Vĩnh.

          Trước đây từ ngày 10 đến 14 tháng Giêng là lễ hội đình làng Mai Vĩnh. Trong văn tế có nói đến công lao của ông Tổ các dòng họ đến đây lập ấp và ông Tổ Họ Tô được nói đến đầu tiên trong ngũ tộc Tô – Phạm – Nguyễn – Phan – Lê.

          Trong lời truyền khẩu còn nói đến công lao khai khẩn đất này của các ông Tổ đời sau.

          Đời thứ hai là Ngài khai canh Tô Công Hạnh, húy là Hạt, vợ là Trần Thị (không rõ tên), kỵ ngày 27 tháng Mười, trong lăng mộ của ngài cũng ghi đôi câu đối:

          Khai thác giang sơn thừa phụ nghiệp

          Khẩn trưng địa hộ sắc vương phong.

          Đời thứ ba là Ngài khai khẩn Tô Công Nghị. Từ đời thứ ba đã có mối giao hòa với các chi họ anh em. Em gái ngài Tô Công Nghị lấy Ngài khai canh họ Phạm làng Thanh Dương, còn vợ ngài Tô Công Nghị là con gái Ngài khai canh họ Phạm cùng làng.

          Trong gia phả và trong nhà bia của ngài Tô Công Nghị có ghi 4 chữ: “Cái thế anh hào”.

          Chi Họ Tô làng Mai Vĩnh nay đã đến đời thứ 21.

Chi họ chia làm 3 nhánh với 15 ngành:

Nhánh Nhất 10 ngành

Nhánh Nhì 2 ngành

          Nhánh Ba 3 ngành.

          Chi họ có 325 hộ với 1.429 nhân khẩu. Sống ở làng có 46 hộ với 207 nhân khẩu. Còn ở xa quê là 279 hộ, với 1.222 nhân khẩu. Số sống ở quê chủ yếu là làm nông nghiệp, đời sống trung bình.

          Chi Họ Tô làng Mai Vĩnh là chi họ lớn nhất và có vị thế trong làng. Chi họ đã lập được gia phả từ rất sớm, có ngôi nhà thờ đã hơn 400 năm và xây dựng được lăng mộ Tổ tiên.

          Các đời trước đều có người đỗ đạt làm quan trong triều đình và ở các địa phương. Trước đây có nhiều bằng, sắc, nhưng đã bị mất hầu hết, chỉ còn giữ lại một số ít, trong đó có:

          Tô Danh Ước đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ (1834), năm Minh Mạng thứ 15, tại trường thi Thừa Thiên, được bổ làm hành tẩu Bộ Lại, sau hậu bổ tỉnh Sơn Tây. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), bị bệnh mất, được truy thụ hàm Tri huyện.

          Tô Danh Huy (Tô Thế Huy), đỗ Sinh đồ (Tú tài) đời Cảnh Hưng, được bổ làm Tri huyện Quảng Điền, Duy Xuyên; Quản đạo Thuận Quảng tước Tụy Lộc Tử. Năm Cảnh Hưng thứ 40 (1479), đổi làm Tri huyện Hương Trà, hàm Chính thất phẩm.

          Tô Danh Cần làm Hàn lâm viện biên tu, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), được thăng Văn lâm lang, Trị châu châu Quan Hóa, hàm Tòng lục phẩm.

          Thời đại Hồ Chí Minh có ông Tô Kim Thuyên, bí danh Trần Bá Lượng, giả làm người thường về làng Mai Vĩnh trồng thuốc lá, tổ chức hoạt động cách mạng, lấy đình làng làm nơi hội họp, vừa công khai vừa bí mật, làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên năm 1938 – 1939, Quyền chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên năm 1953 – 1954.

          Tô Thế Quảng - tức nhà văn Tô Nhuận Vỹ - nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.

          Chi họ có 75 người có bằng Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ; trong đó có 2 Tiến sĩ ở Mỹ và Úc.

          Hằng năm chi Họ Tô làng Mai Vĩnh tổ chức tảo mộ vào ngày 20, 21 tháng Tám, con cháu làm ăn xa gần đều về tụ hội thắp hương tri ân Tiên tổ, và ôn lại truyền thống vẻ vang của chi họ.

          Tô Hữu Cháu (Trưởng tộc, đời 17), Tô Hữu Hòe (đời 19)