Trong chuyến đi chắp nối dòng họ ở các tỉnh Nam Bộ, tháng 3 năm 2012, đoàn của Thường trực Ban liên lạc họ Tô Việt Nam đã đến thăm chi họ Tô xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đoàn đã được các ông trong chi họ dẫn đến tham quan ngôi “Nhà trăm cột” trong địa bàn xã.
Ngôi nhà này do bà Tô Thị Vân cùng chồng là Trần Văn Nhơn đầu tư tiền của cho con là Trần Văn Hoa lúc ấy mới 22 tuổi là Hương sư làng Long Hựu, tổng Lộc Thành, tỉnh Chợ Lớn xây dựng vào những năm 1901-1903, do một nhóm thợ miền Trung thực hiện.
Bà Tô Thị Vân là con gái ông tổ họ Tô xã Long Hựu Đông, cụ Tô Văn Lụa. Theo lời kể của bà Trần Thị Ngỏ, người quản lý di tích thì có thể cùng lúc lập thôn Long Hựu có một người đàn bà tên là Đào Thị Thao, chồng tử trận có lẽ từ miền Trung vào đem theo 3 người con trai về định cư ở thôn Long Hựu.
Người con trưởng là Tô Văn Lụa trở thành ông tổ của chi họ Tô xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước.
Người con thứ hai là Tô Văn Là sau về định cư ở xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc trở thành ông tổ họ Tô xã Tân Tập.
Người con thứ ba là Tô Văn Lèo sau về định cư ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc trở thành ông tổ họ Tô ở xã Đông Thạnh.
Dưới đây là tư liệu giới thiệu về ngôi nhà do bà Trần Thị Ngỏ cung cấp
Với diện tích 882m2, Nhà Trăm Cột tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m2 ,chính diện quay về hưóng Tây Bắc. Nhà hoàn toàn bằng gỗ (cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác. Nhìn trên bình đồ Nhà Trăm Cột có kiểu chữ quốc ( ), 3 gian, 2 chái.
Nhà gồm có hai phần: phần trước là phần nội tự - ngoại khách, phần sau là phần để ở và sinh hoạt. Lẫm lúa ở sau cùng đã tháo dỡ (1952), nay chỉ còn nền móng. Kết cấu chính của Nhà Trăm Cột kiểu xuyên trính (còn gọi là nhà đâm trính, nhà rường), khung sườn kiểu bát trụ, định vị theo hướng Tây - Đông, Tiền - Hậu. Các bộ phận của kết cấu chính như trính, trổng đều chạy chỉ, uốn cong kiểu nhà rường ở miền Trung. Tiếp giáp giữa bộ phận trính và trổng để đỡ đòn dông nóc nhà được cách điệu hình ''chày cối'', tượng trưng cho âm dương hòa hợp (nên còn gọi là kiểu nhà chày cối). Đây là kiểu nhà truyền thống có nhiều ưu điểm bởi bộ khung rất chắc chắn. Không gian ''rộng lòng căn'' được tạo ra ở giữa nhà do không có hàng cột giữa thích hợp để thờ tự.
Đặc biệt, trang trí trong kiến trúc ở Nhà Trăm Cột cho thấy nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ngày trước ở vào trình độ bậc cao qua cách bố cục, thể hiện đề tài cũng như xử lý kỹ thuật. Toàn bộ hệ thống vì kèo, xuyên được chạm nổi, chạm lọng rất công phu các đề tài ''vân hóa long'', '' tứ thời'' kiểu ''dây lá hóa'' đặc trưng của Huế rất sắc sảo. Các gian nội tự và ngoại khách là nơi tập trung cao nhất giá trị thẩm mỹ của công trình mà người xưa đã gửi gấm trên từng nét chạm. Đó là một tập hợp đa dạng, phong phú các đề tài cổ điển như ''tứ linh'', ''tứ thời'','' bát quả''; các mô típ thể hiện Phúc - Lộc -Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây như hoa hồng, sóc - nho, cùng các yếu tố Nam bộ như mãng cầu, bình bát, khế, măng cụt, đã được các nghệ nhân thể hiện công phu trên các bao lam, các khung ô hộc, vách ngăn, vách lá gió, bàn thờ, ghế nghi, bàn tròn, bàn dài, bằng kỹ thuật chạm lọng, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lọng, hết sức điêu luyện và tài tình.
Nét đặc thù trong phong cách chạm gỗ ở đây là bên cạnh phong cách tả thực khéo léo, tỉ mỉ nặng tính sao chép, gò bó bởi những qui phạm phong kiến là phong cách cách điệu phóng khoáng với khối lượng lớn các đồ án dạng ''dây lá hóa'' đã tạo thêm sự phong phú, sinh động, gây xúc cảm cho người thưởng ngoạn. Gian ngoại khách ở Nhà Trăm cột còn được tô điểm bởi các bức hoành phi, đối liễng, sơn son, thếp vàng, cẩn ốc xà cừ có nội dung nói lên tư tưởng hướng đến cuộc sống an nhàn, (Thiên địa náo trường xuân mậu trúc mai thanh khai hảo cảnh, Hướng sơn y thắng cuộc vận phi điểu cách tráng kỳ quan) hay ca ngợi cảnh đẹp (Sơn trang cổ họa), cầu phúc, chúc thọ. Tất cả được bố cục, xử lý một cách hài hòa trong không gian kiến trúc làm toát lên nét trang nghiêm của một ngôi nhà thờ và cũng đầy tráng lệ của một công trình kiến trúc điêu khắc truyền thống.
Theo các nhà nghiên cứu, Nhà Trăm Cột là một ngôi nhà có kiểu thức thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế. Nhưng do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam Bộ thời thuộc Pháp nên có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí,tạo được sự phong phú và đa dạng. Đó cũng là một phần lịch sử - văn hóa đất phương Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Với giá trị ấy, năm 1997 Nhà Trăm Cột đã được Bộ Văn Hóa-Thông Tin xếp hạng là Di tích kiến trúc - nghệ thuật Quốc Gia (số 2890- VH/QĐ/ 27.09.1997).
Tô Bỉnh
- CÁC DÒNG HỌ VIỆT NAM
- Cần làm rõ nguồn gốc, cộng đồng người Việt ở vùng Tam Đảo, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc
- ƯỚC TÍNH MỘT VÀI SỐ LIỆU VỀ HỌ TÔ VIỆT NAM
- 13 năm phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng
- Nàng Tô Thị - Con người có thật
- TRAO ĐỔI THÊM THÔNG TIN VỀ THÂN THẾ ĐỨC TÔ HIẾN THÀNH
- HỌ TÔ ẤP CÁI TRÁM A2 XÃ LONG THẠNH, HUYỆN VĨNH LỢI, TỈNH BẠC LIÊU
- HỌ TÔ THỊ TRẤN NÚI SẬP HUYỆN THOẠI SƠN, TỈNH AN GIANG
- VẤN ĐỀ ĐÃ RÕ, SAO CÒN BĂN KHOĂN
- TRONG TỘC PHẢ CỦA CÁC CHI HỌ, MỘT ĐỜI THƯỜNG LÀ BAO NHIÊU NĂM
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 14
Tháng hiện tại : 18303
Tổng lượt truy cập : 2748746