HỌ TÔ VIỆT NAM CÓ TỪ THỜI HÙNG VƯƠNG ?

Được một người cháu ngoại họ Tô thông tin cho biết: ở đình cổ làng Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có một tấm bia đá dựng từ thời Hậu Lê nói về sự tích  tướng quân Đinh Công Bách, một kiệt tướng của Vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) có vợ là bà Tô Thị. Thấy đây là một thông tin quan trọng có liên quan đến nguồn gốc họ Tô Việt Nam, nên ngày 8 tháng 12 năm 2012, hai ông phó trưởng ban liên lạc họ Tô Việt Nam (Tô Bỉnh, Tô Quang Mậu) cùng anh Tô Hồng Long, thư ký Thường trực ban liên lạc đã đến đình làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm để tìm hiểu tình hình. Do đã trao đổi điện thoại trước nên khi đoàn đến đã được các ông trong ban quản lý di tích nhiệt tình chờ đón.

Sau khi làm lễ thánh, đoàn đã làm việc với ông Nguyễn Kim Thư, nguyên là trung tá Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng đã nghỉ hưu, trưởng ban quản lý di tích đình Doãn Thượng. Được ông cung cấp các tài liệu (bản dịch âm và dịch nghĩa nội dung văn bia viết bắng chữ Hán) và giới thiệu sự tích ngôi đình và sự tích các vị thần được thờ trong đình mà ông Thư đã dày công nghiên cứu từ hai chục năm qua.. Bản dịch văn bia (văn bia khắc năm Canh Dần, Hồng Đức nguyên niên 1470), mang nhiều mầu sắc huyền thoại nhưng theo lời thuyết minh của ông Nguyễn Kim Thư có thể tóm tắt như sau:

Đình làng Doãn Thượng được làm từ năm nào không rõ. Nhưng theo thần tích, thần phả và tấm bia đá dựng trong đình thì ngôi đình được trùng tu tôn tạo đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức  nguyên niên 1470 (Hồng Đức 1470 - 1497). Đình thờ 3 cha con tướng quân Đinh Công Bách. Đinh Công Bách là Lạc tướng kiệt xuất của Hùng Duệ Vương (408 - 258 TCN). Ông quê ở trang Ngô Đồng, huyện Bất Bạt. Vợ ông là Trương Thị Nhật, người làng Doãn Xá, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc (có lẽ là tên địa phương sau này, không phải tên có từ thời Hùng Vương -TB), nay là làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 15 tháng 8 năm Đinh Tỵ, bà Trương Thị Nhật sinh được 1 người con gái đặt tên là Bảo Ngọc. Được 7, 8 năm thì bà Nhật mất. Đinh Công Bách phải gửi con nhờ người em vợ nuôi dưỡng. Bảo Ngọc lớn lên thành một người con gái nhan sắc chim sa cá lặn, võ nghệ cao cường, thi thư trác tuyệt. Đinh Công Bách theo vua Hùng và các hoàng tử đi kinh lý các nơi. Khi về đến đất Hoá Châu, ông xin phép Hùng Duệ Vương cho về thăm quê ở trang Ngô Đồng.

Ở quê ông có 1 gia đình họ Tô. Tô Ông đã mất chỉ còn Tô Bà và 3 người con gái. Được Tô Ông báo mộng (!) ông đã tìm đến gia đình họ Tô dạm hỏi xin cưới người con gái đầu là Tô Thị Nghi, năm đó mới tròn 17 tuổi làm vợ.

Hai năm sau,  vào ngày 12 tháng 3, bà Tô Thị Nghi sinh một người con trai tướng mạo phi phàm đặt tên là Linh Quang. Vì được Ngọc Hoàng thượng đế sai xuống đầu thai (!) nên Linh Quang khi còn ít tuổi đã là một “thần đồng”, lớn lên tài trí siêu phàm, cùng với cha là tướng giỏi của Hùng Duệ Vương.

Những năm cuối đời Hùng Duệ Vương, Thục Phán là vua nước Nam Cương của người Âu Việt, liên tục cho quân sang xâm phạm bờ cõi nước Văn Lang của người Lạc Việt nhưng đều bị thất bại. Các Lạc tướng của Hùng Duệ Vương (trong đó Đinh Công Bách là người kiệt xuất nhất) đã chiến đấu kiên cường, giữ yên bờ cõi. Thục Phán phải tìm kế kết thân xin làm con rể Hùng Duệ Vương để chờ thời. Khi Hùng Duệ Vương mất, triều đình Văn Lang tôn người con trưởng lên ngôi vua gọi là Hùng Kính Vương, Thục Phán vờ sang chịu tang nhưng điều quân theo sau áp sát biên giới. Một tuần ma chay cho cha vợ xong, Thục Phán ra về nhưng nửa đường quay lại với đại binh hùng hậu đã cướp được nước Văn Lang đang lúc tang gia bối rối.

Đinh Công Bách lúc này đã 80 tuổi cùng với các Lạc hầu, Lạc tướng đưa Hùng Kính Vương chạy lên miền ngược, chiêu binh mãi mã chống lại Thục Phán. Cuộc kháng chiến kéo dài được 6 năm, nhưng vận họ Hùng đã hết nên cha con Đinh Công Bách đều lần lượt hy sinh. Theo văn bia đình Doãn Thượng thì Bảo Ngọc Công chúa (là nữ tướng) hoá ngày 1 tháng 12 và Đinh Linh Quang hoá ngày 5 tháng 12 (năm 251 TCN), trong những trận đánh không cân sức với quân của Thục Phán.

Hơn trăm năm nay, hàng năm đình làng Doãn Thượng mở hội vào ngày 12 tháng 3 âm lịch (là ngày sinh của Đinh Linh Quang). Xã Xuân Lâm còn thôn Doãn Hạ cũng có đình thờ 3 cha con Đinh Công Bách nhưng đình Thượng là nơi thờ chính.

Đoạn cuối văn bia còn quy định các ngày mồng một tháng 3, tháng 8 (tháng sinh) và tháng chạp (tháng hoá) dân làng Hạ về đình làng Thượng bái yết.

Ngày 11-11-2012, Ban liên lạc họ Đinh Việt Nam đã về tổ chức buổi lễ dâng hương tại đình Doãn Thượng, truy tôn 3 cha con Đinh Công Bách là người họ Đinh xa xưa nhất trong lịch sử dân tộc.

Văn bia đình Doãn Thượng (nếu lược bỏ những chi tiết mang màu sắc huyền thoại) là một tư liệu lịch sử đáng tin cậy vì các nhân vật đều có tên tuổi rõ ràng, thời gian lịch sử cũng hợp lý. Trong văn bia còn ghi tên một người anh họ Tô Thị Nghi là Tô Văn Tuyên. Dựa theo văn bia có thể tính ra là Tô Thị Nghi, Tô Văn Tuyên sinh vào đầu thế kỷ 3 TCN. Nếu tính đến Tô Ông (không biết tên) và tổ tiên của họ thì còn sớm hơn nữa. Từ đó liệu có thể kết luận: họ Tô Việt Nam đã xuất hiện muộn nhất là vào thế kỷ 4 TCN ở vùng Ngô Đồng (?) Bất Bạt, thuộc Hưng Hoá, Hoá Châu.

 

Tô Bỉnh