NHỚ ƠN THẦY TIỂU HỌC


Hàng năm, cứ gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại quãng ngày thơ ấu; buổi ban đầu mình cắp sách tới trường. Nói sao hết được nghĩa tình của người Thầy - người Cha đã cầm tay chỉ dạy từng nét chữ, nhẹ nhàng từng lời khuyên để ta nên người. “Cơm Cha, áo Mẹ, công Thầy/ Nói sao cho bõ những ngày ước ao” ! 
Trong các bậc dạy học, có lẽ bậc giáo viên Tiểu học là người quan trọng nhất và cũng là người cực nhất. Học sinh Tiểu học như tờ giấy trắng; người Thầy sẽ “vẽ” lên đó những điều hay, điều tốt; những đối nhân xử thế phù hợp với lứa tuổi học trò. Người thầy Tiểu học có nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục học sinh luôn gương mẫu; giàu lòng thương yêu học sinh, tôn trọng nhân cách học sinh; bảo vệ nguồn và lợi ích chính đáng của học sinh.
Còn nhớ vào năm 1955, tôi vào học lớp Một trường làng tại Ấp Rẫy Mới, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Thầy giáo lớp Một của tôi là Thầy Trang Văn Sua (đã mất 1965). Thầy viết chữ nét lớn, chữ đẹp, giọng nói rõ ràng, dáng đi thẳng thắn, khoan thai đúng mẫu mực của một nhà giáo. Lớp Một của tôi có 18 học sinh; ai cũng quý mến Thầy, một con người hiền hậu, bao dung và ai cũng ráng bắt chước Thầy từ dáng đi, giọng nói, nét chữ. Vì thế, đến cuối năm lớp Một chúng tôi đều viết chữ giống nhau như khuôn đúc: chữ to, đẹp, chân phương, rõ ràng. Vì sao lớp chúng tôi có được thành tích đó? Bởi vì muốn có thành công phải trải qua một quá trình rèn luyện. Hồi ấy, Thầy mỗi ngày rèn chữ viết, sửa giọng đọc, bước đi dáng đứng cho từng học sinh. Năm lớp 2, lớp3, lớp 4 lớp tôi cũng do Thầy Trang Văn Sua dạy Thầy dạy học sinh kỹ năng nói, đọc, viết, đi, đứng… dạy học sinh lời nói cảm ơn, xin lỗi, dạy cách bảo vệ bản thân, làm chủ cảm xúc, quản lý thời gian; kết bạn mới phải như thế nào để có bạn tốt vì người xưa từng dạy “Ở chọn nơi, chơi chọn bạn” hoặc “Chơi cùng đứa dại nên bầy dại/ Kết mấy người khôn học nết khôn”.Thầy dạy cách làm việc nhóm như thế nào cho hiệu quả tốt nhất vì “Ba người dại họp lại thành một người khôn”. Một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Thầy còn dạy cách ứng xử với bạn bè, giải quyết mâu thuẫn; luôn thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Thầy còn dạy ý thức chia sẻ, ý thức trách nhiệm, tiếp khách đến nhà, thể hiện tình thương như thế nào để sau này trở nên con người lịch thiệp; ứng xử có văn hoá, lịch sự. Qua mỗi bài giảng, thầy dạy phương pháp tư duy, sáng tạo, học tập hiệu quả, xây dựng lòng tự tin…. Không những thế, Thầy còn dạy chúng tôi cách biết lắng nghe; sống văn minh, đề kháng cám dỗ, bảo vệ môi trường,… Cụ thể phải biết lắng nghe như Ông Cha ta từng răn dạy “ Im lặng là vàng” và “ Lắng nghe là kim cương”!
Thầy trích dẫn lời dạy của Lão Tử rằng : Người ta sinh ra thì yếu mềm, khi chết thì cứng lại, thảo mộc sinh ra thì mềm dịu khi chết thì khô cứng. Chớ nên cứng rắn, cáu giận vì đó là biểu hiện của cái chết; hãy luôn mềm dẻo, khiêm nhường bởi đó là dấu hiệu của sự sống.
Thầy còn dạy chúng tôi dạy phải khiêm tốn, lắng nghe; phân tích đúng sai, xử sự cho hợp tình hợp lý; hợp lòng người…
Đến năm lớp Nhất (lớp 5) tôi đã học 2 năm vì không có khai sinh để thi đệ thất vào trường Trung học Công lập Hoàng Diệu.
Đầu năm học lớp Nhất (lớp 5) lần thứ 3, tôi nhớ ơn Thầy Văn Công Giỏi (Thầy mất năm 2010). Nhờ có Thầy tôi mới nên người, mới có được như ngày hôm nay. Dù bao năm tháng đã qua nhưng tôi nhớ như in ngày đầu tiên mới ra trường. Bữa ấy, Thầy đến lớp hỏi trong lớp có bao nhiêu em không có khai sanh thì cả lớp đưa tay lên hết 30%. Thầy nói rõ em nào gia đình sống tại chợ do Cha, Mẹ đưa lên tỉnh làm giấy thế vì khai sanh, còn những em gia đình ở nông thôn thì Thầy hướng dẫn đưa Cha, Mẹ lên tỉnh để làm giấy thế vì khai sanh, có giấy thế vì khai sanh để thi đệ thất (lớp 6). Trong lớp tôi có 7 học sinh ở nông thôn cùng Cha, Mẹ được thầy hướng dẫn lên tỉnh, thầy đều lo tất cả chi phí đi lại, giao dịch cho xong xuôi mọi việc ổn thoả. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên không biết Cha, Mẹ tôi có đóng góp tiền không khiến tôi luôn áy náy. Nhưng Thầy không nhắc chuyện chi phí, tiền bạc nên tôi cũng yên tâm phần nào. Thầy luôn luôn thương học trò như con làm tôi nhớ lại bài học : “ Học trò nhớ ơn Thầy” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư của tác giả Trần Trọng Kim và Nguyễn Văn Ngọc. Bài viết ngắn gọn và giản dị như sau:
“ Ông Carnot xưa là Ông quan to nước Pháp, một hôm nhân lúc rảnh việc về quê nhà. Khi đi ngang qua Trường học ở làng, trông thấy ông Thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đầu đã bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học. Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt Thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng:
- Em là Carnot đây, Thầy còn nhớ em không? Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng. Ta bình sinh, nhất là ơn Cha, ơn Mẹ, sau Thầy ta đây, vì nhờ có Thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.
Ông là tổng thống thứ tư của Đệ tam Cộng Hòa Pháp từ 1887 – 1894”.
Thời gian trôi nhanh quá ! Mới đó mà đã hơn nữa thế kỷ qua rồi. Nhưng dòng thời gian cứ trôi nhưng bao tình thương còn gởi lại đến bây giờ. Với tôi, lúc nào tôi cũng nhớ đến người Thầy tiểu học, nhất là thầy Thầy Trang Văn Sua vừa dạy chữ, dạy làm người hồi lớp Một thuở nào ! Đó là Thầy Văn Công Giỏi, dạy lớp Nhất (lớp 5), nếu không có Thầy tôi không thể thi vào đệ thất (lớp 6) trường Trung học Công Lập Hoàng Diệu và tôi cũng không có sự nghiệp ngày nay. Quý Thầy lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng nhưng với tôi, Thầy vẫn còn sống mãi; vẫn còn đây lời dạy nhẹ nhàng, lời khuyên nhủ chân tình và nụ cười hiền hậu cùng mái đầu mây trắng đọng màu thời gian… Tôi không thể quên được hình ảnh những người Thầy- người Cha của cuộc đời tôi. Tôi nguyện suốt đời ghi ơn công lao trời biển ấy…
Đến bây giờ, con tôi đi học, cháu nội, cháu ngoại đi học; Thầy dạy lớp Một dạy biết chữ là công to lớn; tôi xem người Thầy lớp Một là người đầu tiên nâng bước chân vào đời cho thế hệ trẻ tương lai.
Xin được “làm mới” câu thơ của Đỗ Trung Quân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): “ Thầy Cô nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người !”.

                                                                                Tô Hiệp

                                                            Trưởng Ban LL Họ Tô tỉnh Sóc Trăng