Bài hát “Nam bộ kháng chiến” và tác giả Tạ Thanh Sơn


Mùa thu rồi ngày hăm ba

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến

Rền khắp trời, lời hoan hô

Dân phương Nam nhịp chân tiến lên trận tiền

Thuốc súng kém, chân đi không

Mà lòng người giàu lòng vì nước

Đốc với giáo mang ngang vai

Nhưng thân trai nào kém oai hùng

 

Cờ thắm tung bay ngang trời

Sao vàng xao xuyến khắp nơi tưng bừng

Một lòng nguyện với tổ tiên

Thề quyết thắng quân ngoại xâm

Ta đem thân ta liều cho nước

Ta đem thân ta đền ơn trước

Muôn thu sau lưu tiếng anh hào

Người dân Việt, lắm chí cao

Thề quyết chống quân gian tham

Ta đem thân ta liều cho nước

Ta đem thân ta đền ơn trước

Xây giang sơn hạnh phúc muôn đời

Nền Độc lập khắp nước Nam.

(Tạ Thanh Sơn)

 

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã đọc bản hùng văn “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bốn ngày sau (ngày 6-9-1945) với âm mưu cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp theo gót quân Anh kéo vào chiếm đóng Sài Gòn. Ở miền Bắc, quân Tưởng tràn vào Hà Nội, núp sau chúng là lực lượng phản động hòng “diệt Cộng cầm Hồ”. Vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Với tinh thần yêu nước quật cường, nhân dân cả nước sẵn sàng đứng lên bảo vệ nền cộng hòa non trẻ, bảo vệ tự do, độc lập. Ngày 23 tháng 9 năm 1945 đồng bào Nam bộ đứng lên kháng chiến, mở đầu cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bài hát “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn thuộc cung thứ, tiết tấu khoan thai trầm hùng đã vang lên khắp các nẻo đường cách mạng của mảnh đất phương Nam của Tổ quốc, rộn ràng, truyền cảm, hun đúc khí phách cho người hát, người nghe và giục giã như một hồi kèn tiến quân.

Mùa thu rồi ngày hăm ba

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến

Rền khắp trời, lời hoan hô

Dân phương Nam nhịp chân tiến lên trận tiền

Thuốc súng kém, chân đi không

Mà lòng người giàu lòng vì nước

Đốc với giáo mang ngang vai

Nhưng thân trai nào kém oai hùng

 

Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, sinh năm 1921, tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cùng thời với Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm…Trước năm 1945 lên Sài Gòn sinh sống, Tạ Thanh Sơn tham gia Thanh niên Tiền phong Nam bộ, khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng và hoạt động kháng chiến. Sau khi dự lớp huấn luyện cán bộ khoá Quách Văn Cự, ông được bổ sung vào đội Tuyên truyền Khu 8 và tại đây, ông đã viết nhạc phẩm “Nam bộ kháng chiến”. Lần đầu tiên bài hát được đăng ở báo “Độc lập”, cơ quan của Bộ Chỉ huy Khu 8, nhưng ca khúc đến với đông đảo cán bộ chiến sĩ, đồng bào bằng con đường truyền miệng rồi lan ra cả nước.

Tạ Thanh Sơn mất ngày 23- 8-1986, nhưng bài hát “Nam bộ kháng chiến” sẽ sống mãi cùng năm tháng. Sau “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu là “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn đã nói lên hùng khí và lòng yêu nước của người dân Nam bộ với Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Những lời ca như những tượng đài bất khuất, thành đồng, cho chúng ta tự hào về quá khứ oai hùng của dân tộc.

                                                                         Tô Mai Anh