Chi họ Tô cụ Đốc Đông (Tô Huân) Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tình Hưng Yên


      Lăng miếu thờ Lê triều nhất vị, công thần Đại vương, thế kỷ thứ XV, làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Ảnh TL)

Từ xa xưa chi Họ Tô cụ Đốc Đông có Phả tộc, do cụ Tô Đức Mậu sinh năm 1745, Đỗ Hương Cống năm 1779 viết. Đến đời cụ Tô Huân (1827 – 1896) đỗ Tiến sĩ, làm quan Phó Đô Ngự Sử triều vua Tự Đức mới làm lại Phả. Dựa trên những điều còn nhớ trong Phả tộc cũ (hiện còn bản gốc chữ Hán), những điều nghe truyền lại và trực tiếp được biết để ghi chép lại cuốn “Xuân Cầu Tô Thị Gia Phả” ra đời.

 Theo Gia phả còn ghi chép được, thì cụ Thủy tổ có từ thời Tiền Lê (không rõ niên hiệu) có tên tự là Tô Trọng Ý, không rõ người từ đâu đến, định cư ở Xuân Cầu từ năm nào, nhưng có khả năng trước đó tiền nhân cũng đã định cư ở đây, cụ chỉ là hậu duệ nối nghiệp. Nếu căn cứ tư liệu đời thứ 2 cụ Tô Đức Mậu (1745) trước đó một đời là vào khoảng cuối Thế kỷ XVII đến nay thì chi Họ Tô cụ Đốc Đông (Tô Huân) đã tồn tại tính từ đời thứ nhất được hơn 300 năm. Chi Họ Tô cụ Đốc Đông, húy Tô Huân có nhà thờ họ rất khang trang to đẹp nhưng trong kháng chiến chống Pháp đã bị tàn phá. Năm 1999 họ tộc xây dựng lại trên nền đất cũ nhưng nhỏ hơn, đồng thời sửa sang lại mộ Tổ xứng đáng với công lao của tiền nhân.

Tính từ Thủy tổ Tô Trọng Ý đến nay đã được 10 đời.

Là một họ lớn, tồn tại nhiều đời nên số hộ có đến hàng trăm và số nhân khẩu có hàng ngàn (không tính cụ thể được bao nhiêu). Hiện tại sinh sống ở Xuân Cầu, nội tộc chỉ có 5 hộ với vài ba chục nhân khẩu, còn đại đa số các chi, các hộ đều sống xa quê, tập trung nhiều ở Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, lẻ tẻ có định cư ở Hải Dương, Vĩnh Phúc…. Nhiều hộ định cư ở nước ngoài: Mỹ - Pháp, Bỉ, Canada, Nga, Đức.

Nghề nghiệp chính của chi họ, tuyệt đại đa số là được học hành, sau đó làm quan chức ở các chế độ, làm nghề dạy học, nghiên cứu khoa học, văn nghệ sĩ, sĩ quan quân đội, buôn bán,… rất ít người làm nông nghiệp, nghề thủ công. Trong số đó cũng có những người thành đạt, có học vị, chức tước ở các thời kỳ:

* Thời phong kiến (trước năm 1945):

- Tô Đức Mậu (1745) đỗ Tú tài rồi đỗ Hương cống (1779)

- Tô Hiền đỗ Hương cuối triều Lê làm quan ở Tú Lâm cục

- Tô Cường (1803 - 1864) tự Nghi Phủ, hiệu Pháp Trực, được Hoàng Triều Ấm tặng: “Phụng Nghị Đại Phu, Hàn Lâm Viện Thị Độc”.

- Tô Huân (1827 - 1896) đỗ Ất Tiến sĩ, Hoàng Triệu Mậu Thìn khoa (1868) giữ chức Phó Đô Ngự Sử triều vua Tự Đức.

- Tô Nghệ (1870 - 1937) đỗ Tú Tài khoa Đinh Dậu (1897) giữ chức Huấn Đạo tỉnh Cao Bằng 5 năm (1899 – 1904)

- Tô Nha (Tô Cúc) (1865 - 1936) đỗ cử nhân không ra làm quan ở nhà dạy học.

* Thời nay (sau năm 1945):

Số Cử nhân hiện tại có đến hàng trăm, nhưng chi họ ở rải rác nhiều nơi nên chưa thống kê được, trong đó có nhiều thạc sỹ và một số tiến sỹ. Một số người làm lãnh đạo ở các cơ quan cấp tỉnh thành hoặc cấp vụ, viện như:

-         Tô Tưởng, Tú tài thời Pháp, Bí thư Sứ quán Việt Nam tại Hungari.

-         Tô Anh Tuấn, Tiến sỹ, Viện trưởng Viện Quy hoạch thành phố Hà Nội

-         Tô Yên Khánh, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội

-         Tô Minh Hương, Tiến sỹ Y khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Trong chi họ có nhà văn Tô Hoàng, đạo diễn điện ảnh và nhà thơ Tô Dũng

                               Tô Dũng  (Đời thứ 9 tính tứ Thủy tổ Tô Đốc Đông)