TƯ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN SỐNG TÔ LỊCH

LUỒNG THUYỀN VUA LÝ DỜI ĐÔ

Sử cũ ghi: “Mùa thu tháng Bảy năm Canh Tuất 1010, Vua dời đô từ thành Hoa Lư sang thành Đại La. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra trên thuyền ngự, do đó đổi gọi là thành Thăng Long”.

Sách “Địa chí Văn hoá dân gian Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội” trang 35 có đoạn ghi: “Tục truyền, khi thuyền ngự từ sông nước Hoa Lư cập bến Đại La, bỗng có con Rồng vàng hiện lên trên sông rồi bay vút lên trời. Vua Lý Thái Tổ cho đó là điềm lành, bèn nhân hình ảnh đó mà đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, có ý nghĩa là Rồng bay lên”.

Như vậy, điều đã rõ ràng là: Phương tiện vận chuyển trong cuộc dời đô của vua Lý hồi ấy là thuyền, dĩ nhiên phải đi theo luồng đường thuỷ (sông, ngòi, lạch…). Nhưng, từ Hoa Lư ra Đại La, đoàn thuyền của Nhà vua đi theo luồng nào? Đây chính là câu hỏi cần được trả lời. Hoặc, nói đúng hơn, đây là điều mà chúng ta cần nghiên cứu để tìm ra câu trả lời có sức thuyết phục cao nhất.

Chúng tôi thống nhất ý kiến với một số tác giả cho rằng: Đoàn thuyền vua Lý xuất phát ngay ở Ghềnh Tháp, thuộc khu Thành Ngoại – nơi thuỷ binh thường tập trận theo dòng Sào Khê ra sông Hoàng Long. Từ sông Hoàng Long, thuyền xuôi ra gặp sông Đáy ở ngã ba Gián Khẩu rồi ngược dòng mà lên tới Phủ Lý (tỉnh lỵ Hà Nam hiện tại). Vấn đề đặt ra là từ Phủ Lý, đoàn thuyền nhà vua ngược tới Đại La theo luồng nào? Bởi vì, Phủ Lý là nơi sông Đáy gặp sông Nhuệ và sông Châu. Cả ba con sông này đều có thể đưa đoàn thuyền từ đây về Đại La, chỉ có điều cự li và hoàn cảnh sông nước không giống nhau.

Giả thiết thứ nhất: Đoàn thuyền từ Gián Khẩu theo sông Đáy ngược đến Phủ Lý, rẽ phải theo sông Châu đến ngã ba Lảnh (Yên Lệnh – Duy Tiên – Hà Nam), gặp sông Cái rồi ngược sông Cái mà về Đại La. Tổng chiều dài luồng này tới 170 km không có khả năng thực hiện vì vua Lý dời đô vào đầu tháng 7 âm lịch đang mùa mưa lũ, nước sông Cái chảy xiết mà phải dùng sức người chèo, kéo đoàn thuyền ngược lũ trên chặng đường dài 100 km là việc rất khó khăn.

Giả thiết thứ hai: Đoàn thuyền ngược sông Đáy vòng vèo qua vùng núi đá của tỉnh Hà Nam, qua huyện Ứng Hoà, rồi Bến Đục đến Phúc Thọ (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), ra sông Cái, xuôi về Đại La. Luồng này có hoàn cảnh sông nước thuận lợi, êm ả nhưng ít có khả năng thực hiện vì chiều dài tới 218 km.

Giả thiết thứ ba: Đoàn thuyền từ ngã ba Gián Khẩu ngược sông Đáy đến Phủ Lý rồi ngược tiếp theo sông Nhuệ đến làng Tó (xã Đại Thanh ngày nay) để gặp sông Tô Lịch. Từ làng Tó, đoàn thuyền theo sông Tô Lịch ngược tiếp qua Nhị Khê (quê của Nguyễn Trãi), qua Thọ Am, Đông Phù, Ngọc Hồi, Ích Vịnh, Kim Lũ, Mọc, Cầu Giấy, Kẻ Bưởi rồi rẽ ngoặt vào thành Đại La.

Giả thiết thứ ba có sức thuyết phục vì phù hợp hoàn cảnh thực tế hơn cả.

Thứ nhất, thuở ấy, sông Tô Lịch còn là luồng thuyền thông với sông Cái ở giáp Giang Nguyên, thuộc thôn Cổ Lương (quãng phố Chợ Gạo ngày nay và thông với Hồ Tây ở nơi nay là làng Hồ Khẩu. Đến năm 1889, thực dân Pháp cho lấp đoạn sông Tô từ cửa Giang Khẩu đến Kẻ Bưởi, lập ra các phố Nguyễn Siêu, Hàng Lược, Phan Đình Phùng, đồng thời cả nguồn Hồ Khẩu cũng bị lấp). Thuở ấy, sông Tô Lịch còn có tên là “Nghịch thuỷ” vì về mùa mưa, nước trong đồng ruộng Thanh Trì, Từ Liêm dâng cao, chảy dồn ra sông Cái ngược chiều so với mùa khô.

Thứ hai là vì, thành Đại La do tướng Cao Biền cho đắp lại từ năm 866 nằm ở ngay chỗ sông Cái và sông Tô Lịch gặp nhau (cũng có nghĩa là sông bao bọc vòng thành). Vì vậy, có sách viết “… Muốn ngăn ngừa không cho nước sông Tô, sông Cái tràn vào phủ trị, Cao Biền cho đắp một đường đê bao bọc ở ngoại thành dài hơn 2.125 trượng linh tám thước, cao một trượng, dày 2 trượng, trong thành cho nhân dân làm nhà ở hơn bốn chục vạn nóc. Đường đê bao quanh ngoài thành gọi là Đại La thành, cũng gọi là Ngoại La thành”.

Như vậy, câu “Thuyền tạm đỗ ở dưới thành…” trong đoạn trích sử cũ hoặc câu: “… Thuyền ngự từ sông nước Hoa Lư cập bến Đại La…” trong đoạn trích sách “Địa chí Văn hoá dân gian” đều phù hợp với giả thiết đoàn thuyền nhà vua theo sông Tô Lịch vào cập dưới chân thành (hoặc bến) Đại La.

Vả lại, thuở ấy sông Tô Lịch là huyết mạch giao thông thuỷ quan trọng có giá trị “yết hầu” của thành Đại La gặp sông Thiên Phù tại vùng chợ Bưởi ngày nay, luôn tấp nập trên bến, dưới thuyền. Thuyền chở cây dướng, cây dó (vật liệu làm giấy) từ miền ngược về, từ sông Cái qua cửa Phú Xá theo sông Thiên Phù vào cập bến chợ Bưởi cung cấp cho các làng nghề vùng Kẻ Bưởi. Thuyền từ Kẻ Bưởi theo sông Tô Lịch chở vải, lụa, giấy… đi vào xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng.

Sau khi định đô, vua Lý cùng hoàng gia thường cưỡi thuyền rồng từ Cửa Bắc theo sông Tô Lịch đi ngoạn cảnh vùng Kẻ Bưởi. Trong một dịp vi hành, được dân dâng tấm lụa dệt hình Rồng tuyệt đẹp, vua đã ban cho nơi dệt tấm lụa đó tên làng Nghĩa Đô (thuộc phường Nghĩa Đô ngày nay).

Như vậy, có cơ sở để tin rằng gần 1.000 năm trước đây, sông Tô Lịch giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với giao thông thuỷ của kinh đô cả về kinh tế, văn hoá, du lịch.

Cũng vì vậy, chúng ta có thể cho rằng, giả thiết thứ ba nêu trong bài này về luồng thuyền vua Lý dời đô thuở ấy là hợp lý và có sức thuyết phục cao hơn cả.

Mọi người yêu Hà Nội bây giờ đều mong muốn thu nhận được những thông tin càng cụ thể, chi tiết càng quý về lịch sử dời đô và xây dựng, phát triển của 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Thiết nghĩ, về luồng thuyền vua Lý dời đô, một khi đã được làm sáng tỏ thì chúng ta rất nên và cần có kế hoạch khôi phục toàn bộ hoặc từng đoạn điển hình để làm di tích lịch sử văn hoá, lưu truyền mãi mãi, đồng thời cũng để phục vụ tuyên truyền, giáo dục và du lịch, tham quan.

                                       Trườngg Giang – Tc Cầu đường Việt Nam , số 3/2010,tr.60

Tô Bá Trọng sưu tầm